Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Bình Thuận
Lượt xem: 2327

QUY ĐỊNH

Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và mối quan hệ công tác của Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Bình Thuận.

 (Ban hành kèm theo Quyết định số 3131/QĐ-UBBT ngày 03/11/2009)

Điều 1. Vị trí, chức năng.

1. Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Bình Thuận (sau đây gọi tắt là Trung tâm) là đơn vị sự nghiệp có thu, tự chủ và tự chịu trách nhiệm về tài chính, tự đảm bảo một phần kinh phí hoạt động thường xuyên, trực thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư. Trung tâm có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng tại Kho bạc Nhà nước theo quy định hiện hành của pháp luật.

Tên giao dịch tiếng Anh: BinhThuan Small & Medium Enterprise Promotion Center (Viết tắt là SMEPC).

2. Trung tâm có chức năng giúp Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện các hoạt động về tư vấn đầu tư, kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, chuyển giao công nghệ; cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp; các hoạt động về đào tạo, bồi dưỡng, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc các thành phần kinh tế theo quy định của pháp luật.

3. Trụ sở của Trung tâm đóng tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.

Điều 2. Nhiệm vụ, quyền hạn.

1. Tham mưu, giúp giám đốc Sở kế hoạch và Đầu tư về các lĩnh vực:

a. Về chủ trương, chính sách, giải pháp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

b. Xây dựng kế hoạch phát triển doanh nghiệp hàng năm, 5 năm của tỉnh.

c. Tháo gỡ kịp thời các khó khăn vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các hiệp hội, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

d. Đế xuất các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

e. Giới thiệu các doanh nhân có thành tích xuất sắc trong việc phát triển doanh nghiệp, tham gia tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để UBND tỉnh và các cơ quan liên quan xem xét, khen thưởng theo quy định hiện hành của pháp luật.

g. Làm cầu nối giữa các doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh và các hiệp hội ngành nghề trên địa bàn tỉnh với chính quyền địa phương nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các hiệp hội, doanh nghiệp phát triển theo quy định pháp luật.

2. Thực hiện các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa bao gồm:

a) Thực hiện hoặc liên kết với các cơ sở đào tạo tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về Khởi sự doanh nghiệp và Quản trị doanh nghiệp theo Chương trình đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa theo Nghị định 56/2009/NĐ-CP ngày 30/6/2009 về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa của Chính phủ, tập huấn bồi dưỡng kiến thức hội nhập kinh tế quốc tế, phổ biến chế độ chính sách của Nhà nước liên quan đến doanh nghiệp; tổ chức tham quan tìm hiểu thực tế cho cán bộ quản lý, người lao động làm việc trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của pháp luật.

b) Cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp về các chủ trương, chính sách của Nhà nước liên quan đến doanh nghiệp; các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp quốc gia và của địa phương; thông tin dự báo về thị trường trong và ngoài nước để các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh đúng pháp luật, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng lực cạnh tranh, tham gia tích cực chủ động vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

c) Tổ chức cho các hiệp hội, doanh nghiệp của tỉnh tham gia các diễn đàn xúc tiến đầu tư, hợp tác kinh doanh, cải thiện môi trường kinh doanh do các cơ quan trung ương và địa phương tổ chức.

d) Hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa của tỉnh tiếp cận và thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ của Chính phủ; tiếp cận các nguồn tài chính của các tổ chức ngân hàng, quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, các quỹ hỗ trợ doanh nghiệp của các tổ chức quốc tế.

e) Tư vấn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh về chiến lược kinh doanh, chiến lược phát triển thị trường, xây dựng quảng bá thương hiệu để phát triển các sản phẩm có lợi thế của tỉnh.

3. Thực hiện công tác quản lý về tổ chức, cán bộ, viên chức; quản lý tài chính,  tài sản của Trung tâm theo quy định của Nhà nước và phân cấp của Ủy ban nhân dân tỉnh.

4. Thực hiện chế độ báo cáo thống kê, kế toán định kỳ; các báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao theo quy định cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

5. Được thu một số khoản dịch vụ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm theo quy định của pháp luật.

6. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác do Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư giao.

Điều 3. Tổ chức bộ máy và biên chế.

1. Trung tâm do một Giám đốc lãnh đạo theo chế độ Thủ trưởng. Giám đốc Trung tâm là người chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư và pháp luật về toàn bộ hoạt động của Trung tâm.

Giúp việc cho Giám đốc có Phó Giám đốc được Giám đốc phân công phụ trách từng lĩnh vực cụ thể, chịu trách nhiệm trước Giám đốc Trung tâm và liên đới chịu trách nhiệm trước pháp luật về phần việc được phân công.

          Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh Giám đốc Trung tâm do Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư quyết định sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Giám đốc Sở Nội vụ và theo đúng quy định về phân công phân cấp về quản lý cán bộ, công chức hiện hành của UBND tỉnh.

          Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh Phó Giám đốc Trung tâm do Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư quyết định theo đề nghị của Giám đốc Trung tâm và theo đúng quy định về phân công, phân cấp về quản lý cán bộ, công chức hiện hành của UBND tỉnh.

2. Cơ cấu tổ chức bộ máy của Trung tâm:

a) Tổ Hành chính quản trị;

b) Phòng Thông tin;

c) Phòng Nghiệp vụ.

Các Phòng, tổ nói trên có Trưởng phòng, Phó trưởng phòng, Tổ trưởng giúp Giám đốc Trung tâm tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Phòng, tổ. Nhiệm vụ cụ thể của các phòng, tổ do Giám đốc Trung tâm quy định.

          Việc bổ nhiệm Trưởng phòng, Phó trưởng phòng, Tổ trưởng do Giám đốc Trung tâm quyết định sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Điều 4. Biên chế.

Biên chế của Trung tâm có 02 bộ phận sau:

a) Một bộ phận là biên chế sự nghiệp khác được UBND tỉnh phân bổ hàng năm theo yêu cầu, nhiệm vụ công tác được giao.

b) Một bộ phận là định biên lao động. Căn cứ yêu cầu nhiệm vụ và khả năng nguồn thu của đơn vị, hằng năm Giám đốc Trung tâm xây dựng kế hoạch sử dụng lao động và làm việc trực tiếp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nội vụ để thống nhất số lượng định biên lao động sử dụng của năm kế hoạch.

Điều 5. Quản lý, sử dụng viên chức lao động.

Việc quản lý viên chức, nhân viên của Trung tâm được thực hiện theo các quy định hiện hành của Nhà nước về quản lý, sử dụng viên chức, lao động trong các đơn vị sự nghiệp công lập.

Điều 6. Kinh phí hoạt động.

Nguồn kinh phí hoạt động của Trung tâm chủ yếu từ các nguồn sau:

1.     Kinh phí từ ngân sách Nhà nước;

2. Kinh phí từ các khoản thu dịch vụ; thu phí, lệ phí theo quy định của pháp luật.

3. Các khoản kinh phí hỗ trợ, tài trợ từ các tổ chức trong và ngoài nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác (nếu có).  

Điều 7. Về chế độ tài chính.

1. Trung tâm được thực hiện chế độ tài chính theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ và Thông tư số 71/2006/TT-BTC ngày 09/8/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ.

2. Việc thu, chi tài chính của Trung tâm được thực hiện theo sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra giám sát của cơ quan chủ quản, Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước tỉnh và Cục Thuế tỉnh.

3. Trung tâm có trách nhiệm thực hiện đầy đủ Luật Ngân sách, Luật Kế toán trong hoạt động tài chính của đơn vị; đồng thời có trách nhiệm báo cáo quyết toán kịp thời, chính xác theo yêu cầu của các cơ quan chức năng quản lý nhà nước có liên quan.

Điều 8. Mối quan hệ công tác.

1.   Đối với sở Kế hoạch và Đầu tư:

Trung tâm chịu sự quản lý trực tiếp, toàn diện của Sở Kế hoạch và Đầu tư. Trung tâm có trách nhiệm báo cáo định kỳ và đột xuất theo yêu cầu của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc thực hiện nhiệm vụ kế hoạch được giao và các hoạt động khác của Trung tâm.

2. Đối với các Sở, cơ quan ngang Sở thuộc UBND tỉnh:

Trung tâm chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ của các đơn vị nói trên trong quá trình tổ chức hoạt động của đơn vị.

3. Đối với các Phòng chuyên môn và các đơn vị trực thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư:

Trung tâm có mối quan hệ bình đẳng, phối hợp với các phòng chuyên môn và các đơn vị trực thuộc Sở trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao.

4. Đối với các tổ chức và cá nhân là khách hàng của Trung tâm:

Trung tâm có mối quan hệ bình đẳng, đôi bên cùng có lợi theo các hợp đồng kinh tế, các giao dịch dân sự theo đúng quy định của pháp luật.

Điều 9. Điều khoản thi hành.

Giám đốc sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm chỉ đạo Giám đốc Trung tâm tổ chức thực hiện tốt những nội dung của bản quy định này. Quá trình thực hiện nếu cần sửa đổi, bổ sung Giám đốc Trung tâm báo cáo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, quyết định.

Tin khác
ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang