Tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ
30/01/2023
Lượt xem: 620
Trong thời gian qua, công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ luôn được Đảng, Nhà nước và các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo, tổ chức tốt công tác phòng ngừa; tuy nhiên, trong 05 năm qua, trên cả nước đã có 440 người chết và hàng nghìn người bị thương do cháy, nổ, sự cố tai nạn gây ra (trên 60% vụ việc xảy ra tại các khu dân cư và đô thị). Dự báo trong thời gian tới, tình hình cháy, nổ, sự cố, tai nạn sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp khó lường, nguy cơ cao xảy ra tại các khu dân cư, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh dịch vụ, chợ dân sinh, trung tâm thương mại, nhà cao tầng, khu công nghiệp, cơ sở tập trung đông người, hạ tầng cơ sở cũ chưa thể khắc phục ngay do chi phí rất lớn, cần thời gian nghiên cứu, quy hoạch chuyển đổi… Bên cạnh đó, khí hậu đang dần biến đổi theo chiều hướng tiêu cực, khó lường hơn, thiên tai tiếp tục diễn biến phức tạp. Hậu quả của các sự cố cháy nổ, tai nạn xảy ra ngày càng nghiêm trọng, điển hình như vụ cháy cơ sở Karaoke trên địa bàn tỉnh Bình Dương vào ngày 06/9/2022; trên địa bàn tỉnh cũng đã xảy ra vụ sạt, lở cát tại khu vực khai thác quặng Titan thuộc thôn Thuận Thành, xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam gây hậu quả làm 04 người chết.
Ủy ban nhân dân tỉnh đã có văn bản ngày 18/01/2023 yêu cầu các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và đề nghị Mặt trận, đoàn thể tỉnh triển khai thực hiện nghiêm các nội dung sau:
- Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Quốc Hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ ; xác định rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, coi đây là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên, cần thiết để bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của Nhân dân và phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội.
- Tiếp tục rà soát, góp ý, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, tổng kết đánh giá sự cần thiết và tính khả thi, cấp bách của việc sửa đổi Luật Phòng cháy, chữa cháy năm 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2013) để bổ sung quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ, xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy trình về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn hiện nay; tổ chức rà soát các tồn tại, vướng mắc về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong hoạt động đầu tư xây dựng để có định hướng chỉ đạo về phối hợp giữa các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và doanh nghiệp, người dân cùng khắc phục, tháo gỡ.
- Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Trước mắt, tiếp tục thực hiện tổng kiểm tra, rà soát trên toàn tỉnh về an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, tập trung vào các cơ sở đông người, khu vực nguy cơ cao về cháy, nổ như: Chung cư, nhà cao tầng, khu công nghiệp, chợ, nhà kho, cơ sở karaoke, vũ trường, bar… xử lý nghiêm minh và bắt buộc khắc phục đối với các cơ sở đưa vào sử dụng, hoạt động không đảm bảo điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
- Kiện toàn củng cố các lực lượng tại chỗ làm công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại khu dân cư, cơ sở theo phương châm “Bốn tại chỗ”. Tăng cường công tác tập huấn, xây dựng, tổ chức thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến; kịp thời khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc. Xây dựng cơ chế phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa lực lượng Công an, Quân đội và các lực lượng khác trong thực hiện nhiệm vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Các sở, ban, ngành, địa phương bố trí kinh phí, đầu tư cơ sở vật chất, hậu cần cho công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
- Tập trung các nguồn lực để xây dựng và phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng, kỹ thuật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (giao thông, thông tin liên lạc, hệ thống cảnh báo sự cố, tai nạn...). Hoàn thiện, bổ sung đầy đủ các nội dung Quy hoạch hạ tầng phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 vào quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Công an. Huy động nguồn lực hợp tác công tư, xã hội hóa để mua sắm trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
- Xây dựng, kiện toàn lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, tinh thông về pháp luật, kỹ thuật chiến thuật, nghiệp vụ theo Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Bố trí phù hợp lực lượng phòng cháy, chữa cháy ở các địa bàn trọng điểm, mở rộng mạng lưới, bảo đảm bám địa bàn, bám cơ sở, bảo đảm an toàn cho người dân.